* Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu ký kết hợp đồng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp.

* Đầu tư công nghệ hiện đại phục vụ dạy học tại Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ  thuật Bạc Liêu.

 Ảnh: Trần Công

Tất cả vì người học

Hướng đến xây dựng một xã hội học tập và ai cũng có điều kiện sớm đến với nghề nghiệp, đóng góp trí tuệ, công sức của mình cho quê hương, đất nước, Trường KT-KT đã đa dạng hóa các hình thức đào tạo và gắn với đó là trang bị các kỹ năng, kiến thức thực tiễn cho người học. Thông qua nhiều hình thức đào tạo (chính quy, vừa làm vừa học, liên thông…), người học có điều kiện thực hiện các ước mơ của mình và tranh thủ được sự hỗ trợ từ Nhà nước, nhất là trường hợp các gia đình gặp khó khăn về kinh tế.

Cụ thể, đối với học sinh tốt nghiệp THCS, nếu không có điều kiện học tiếp THPT thì có thể tham gia học trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) kết hợp với học văn hóa. Sau 3 năm tham gia học, khi tốt nghiệp người học sẽ nhận được 2 bằng là bổ túc văn hóa và TCCN. Với mô hình đào tạo này, người học có thể vừa đi làm, vừa tham gia học tập vào ban đêm, hoặc mỗi tuần học một buổi. Sau khi học xong TCCN, nếu người học muốn lên cao đẳng chỉ tốn thêm 1,5 năm và tiếp tục học lên đại học thì chỉ mất thêm 1,5 năm. Tính ra, nếu người học từ THCS học lên THPT và đại học thì phải mất thêm 8 năm, nhưng với hình thức đào tạo liên thông như thế này, người học chỉ mất 6 năm, lại được trui rèn trong điều kiện thực tế, có thời gian kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình và tiếp tục thực hiện giấc mơ giảng đường của mình. Quan trọng hơn, khi tham gia học, đối tượng học sinh chỉ tốt nghiệp THCS được hỗ trợ 100% học phí, giúp gia đình tiết kiệm hơn 5 triệu đồng/năm học.

Còn đối với các trường hợp học sinh đã tốt nghiệp THPT khi tham gia học TCCN và khi có nhu cầu liên thông lên cao đẳng và đại học thì chỉ mất 4,5 năm. Một vấn đề đáng ghi nhận khác là Trường KT-KT phối hợp với các địa phương, trung tâm GDTX và các trường tổ chức tư vấn, đào tạo học sinh. Qua đó, giúp các em có điều kiện tiếp tục đến trường và hoàn thành ước mơ của mình.

Đâu chỉ có đại học

Có một thực tế gây lãng phí tiền của và công sức của người học lâu nay chính là việc quá xem trọng tấm bằng đại học. Không biết học ngành gì, hay xã hội có nhu cầu hay không, hễ tốt nghiệp THPT là phải thi cho bằng được vào đại học. Thậm chí, có gia đình phải bán cả ruộng đất, cầm cố tài sản cho con khăn gói đi thi đại học. Thi đậu thì không nói gì, nếu trượt thì lại phải mất tiền ôn thi và đợi đến năm sau mới thi tiếp. Học xong 4 năm với khoản chi phí quá lớn gây ra nợ nần chồng chất cho gia đình, đó là chưa kể ra trường còn đối mặt cảnh không tìm được việc làm. Thống kê cho thấy, tỷ lệ tốt nghiệp đại học thất nghiệp cao nhất trong cơ cấu đào tạo hiện nay. Từ đó phải chạy việc làm vừa mất tiền, vừa tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Trong khi đó, bài học kinh nghiệm của nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển thì rất chú trọng đến cơ cấu đào tạo nhân lực theo hướng có đủ các trình độ, bậc đào tạo với cơ cấu hợp lý giữa “thầy” và “thợ”, “thầy” chủ yếu vẫn là đào tạo “thợ”. Vì một nhà máy chỉ cần một giám đốc và một quản lý điều hành là đủ, chứ với nhiều trình độ, bậc đào tạo khác nhau mà ai cũng làm lãnh đạo, quản lý hết thì lấy đâu ra công nhân mà làm?

Chính bất cập này đã khiến cho nguồn nhân lực không phát huy được hiệu quả, nhất là lãng phí đội ngũ lao động trẻ. Thậm chí, có người tốt nghiệp ra để làm “thầy”, nhưng khi xin vào làm việc phải quay lại học làm “thợ”, vì thiếu tay nghề, kinh nghiệm và thực tiễn, nên làm “thợ” cũng không đáp ứng yêu cầu.

Từ đó cho thấy, việc học nghề sẽ tạo điều kiện cho người học sớm đến với nghề nghiệp, có cơ hội cọ xát với thực tiễn và quan trọng hơn cả là phát huy được sở trường của mình. Đồng thời, học nghề cũng là con đường dễ đi và ngắn nhất để thực hiện giấc mơ đại học và tiếp tục học cao hơn nữa. Để không bị đào thải trong xã hội hiện đại thì phải nhận thức và hành động tích cực hơn, đó là học suốt đời để có đủ điều kiện làm việc suốt đời.

TÚ ANH

http://www.baobaclieu.vn/giao-duc-hoc-duong/truong-cao-dang-kinh-te-ky-thuat-bac-lieu-danh-cho-nguoi-hoc-nhung-gi-tot-dep-nhat-36673.html