Phong cách Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá mà Người để lại cho dân tộc ta bao gồm: phong cách tư duy; phong cách làm việc

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các trí thức năm 1964. ( GS. Trần Hữu Tước ngồi bên trái Bác Hồ)
 

Phong cách Hồ Chí Minh là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ di sản vô giá mà Người để lại cho dân tộc ta bao gồm: phong cách tư duy; phong cách làm việc; phong cách lãnh đạo; phong cách diễn đạt; phong cách ứng xử và phong cách sinh hoạt. Phong cách của Người là bài học, là chuẩn mực cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau học tập và làm theo. Trong đó, phong cách diễn đạt là một trong những nét đẹp riêng, độc đáo và có giá trị to lớn đối với việc tu dưỡng, rèn luyện phương pháp diễn đạt (nói và viết) của mỗi cán bộ, đảng viên nói chung và cán bộ, giảng viên của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu nói riêng.Vì vậy việc nghiên cứu học tập và làm theo phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả trong công tác và trong giao tiếp.

1. Đặc trưng phong cách diễn đạt của Hồ Chí Minh

Thứ nhất: Xác định rõ chủ đề, đối tượng, mục đích của việc nói và viết.

 Hồ Chí Minh đề cập bốn vấn đề mà Người nói và viết phải xác định thật rõ: “Nói, viết cái gì?”, “Nói, viết cho ai?”, “Nói, viết để làm gì?”, “Nói, viết như thế nào?”.  Từ đó Người tìm cách nói, cách viết cho đúng chủ đề, cho phù hợp với từng đối tượng, nhằm đạt được mục đích đã đề ra. Trên cơ sở thống nhất về mục đích nói và viết, phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh thể hiện rất phong phú, phù hợp với nội dung được trình bày. Nhờ đó cách diễn đạt trong các bài nói, bài viết của Người rất mộc mạc, ngắn gọn trong sáng, giản dị, khúc triết và dễ hiểu, phù hợp với trình độ nhận thức, sự hiểu biết và cách suy nghĩ của từng đối tượng người đọc, người nghe.

Thứ hai: Tính chân thực.

Người luôn chú trọng tính chân thực trong mỗi bài nói, bài viết của mình đối với từng đối tượng. Khi nói, viết về một vấn đề gì cho một đối tượng cụ thể, Hồ Chí Minh chọn lọc, phân tích kỹ, phản ánh đúng thực tiễn, bảo đảm tính chính xác, tính chân thực của các sự kiện, vấn đề mà Người nêu ra. Bởi vậy, mỗi bài nói, bài viết của Người có tính thuyết phục rất cao với từng đối tượng. Tính chân thực trong viết báo của Hồ Chí Minh còn biểu hiện ở chỗ, Người không chỉ nói cái tốt, cái thành công, mà còn nói cả cái chưa tốt, chưa thành công để mỗi cá nhân, tập thể nhận rõ mà khắc phục, phấn đấu tốt hơn.

Thứ ba: Tính ngắn gọn.

Theo Hồ Chí Minh, “ngắn gọn có nghĩa là gọn gàng, rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung, thiết thực, thấm thía, chắc chắn”. Ngắn gọn trong cách nói, cách viết của Hồ Chí Minh là cô đọng, hàm súc, ý nhiều, lời ít, không có lời thừa, chữ thừa, mỗi câu, mỗi chữ có một ý nghĩa, có một mục đích, không phải rỗng tuếch. Cách nói và viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất ngắn gọn, súc tích; đủ thông tin cần thiết; và có sức thuyết phục mạnh mẽ. Về cách nói, Người khuyên cán bộ, đảng viên nên nói ngắn gọn, thiết thực, đi thẳng vào vấn đề mà quần chúng đang quan tâm, đối tượng đang cần biết, cần hiểu, cần làm.

Thứ tư: Tính trong sáng, giản dị, dễ hiểu.

Toàn bộ các bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh đều rất trong trong sáng về ý tưởng, văn phong và giản dị trong cách trình bày, thể hiện, rất dễ hiểu đối với người nghe, người đọc. Tư tưởng Hồ Chí Minh đến với mọi người bằng ngôn từ quen thuộc mà mọi người đều hiểu được. Chính vì vậy, những tư tưởng lớn của Người trở nên dễ thuộc, dễ nhớ, nhanh chóng đi vào quần chúng, hướng dẫn họ hành động.

2. Những biểu hiện cần loại bỏ khi  nói và viết

Một là: Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã chỉ ra biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, trong đó có: “Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu”. “Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước”. Vì vậy Việc học tập và làm theo phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh là cách làm thiết thực để khắc phục suy thoái của cán bộ, đảng viên trong cách nói và viết, nói đi đôi với làm; ngăn chặn, chống lại biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chống lại những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù.

Hai là: Thiếu chính xác, thiếu chân thực, thói giả dối khi viết, khi nói

Vì “bệnh thành tích”, “bệnh đối phó”, “bệnh hình thức” nên đã lừa dối Đảng, Nhà nước, lừa dối cấp trên và Nhân dân “làm láo, báo cáo hay”, “làm ít, sít ra nhiều”, thổi phồng  thành tích, che dấu hạn chế khuyết điểm; khi vấn đề tiêu cực bị phát hiện, lại đổ thừa cho khách quan, không có năng lực chuyên môn về lĩnh vực đó, không có dũng khí nhận trách nhiệm về mình; khi viết và nói hay dùng thuật ngụy biện để lòe bịp, áp đặt ý chí của mình lên người khác. Có thói đạo đức giả nói không đi đôi với làm, lời nói bất nhất. Những biểu hiện này cần đấu tránh, phê phán và loại bỏ ngay để niềm tin của quần chúng nhân dân vào Đảng, Nhà nước được củng cố.

Ba là: Bệnh ba hoa, nói viết vừa dài, vừa rỗng, vừa khó hiểu 

Cần loại bỏ kiểu viết dài, nói dài, nói dai. Loại bỏ cách viết dài dòng, rỗng tuếch: viết dài dòng, "dây cà ra dây muống", viết dòng này qua dòng khác, trang này qua trang khác, nhưng thông tin, nội dung thì ít, không có ích cho người xem; viết và nói dài nhưng hiệu quả thấp, thậm chí phản tác dụng. Viết và nói dài để khoe khoang mình là người biết nhiều, hiểu rộng. Viết ngắn, nói ít sợ thiếu thông tin, sợ người khác đánh giá mình năng lực yếu. Khi viết và nói dùng từ không rõ nghĩa, tùy tiện dùng từ mới theo ý chủ quan, trình bày lủng củng, tù mù. Mắc bệnh hay nói chữ, ham dùng chữ, bệnh sính dùng chữ nước ngoài để khoe khoang. Vì vậy cần chống nói dài, viết rỗng. Nói dài, viết dài và sáo rỗng đều hoàn toàn xa lạ với phong cách Hồ Chí Minh cần phải loại bỏ.

Bốn là: Không bám sát chủ đề, đối tượng người đọc, người nghe

Viết, nói bố cục nội dung không chặt chẽ, thiếu nhất quán; nói không rõ ràng, thiếu cụ thể, không phù hợp với trình độ nhận thức, hiểu biết, cách suy nghĩ của từng đối tượng người đọc, người nghe. Hay nói và viết “tràng giang đại hải”, “dây cà ra dây muống”, rườm rà, “thao thao bất tuyệt”, kinh viện kiểu “tầm chương trích cú”, thậm chí lạc đề; dùng những ngôn từ không sát hợp đối tượng, nội dung không phù hợp, nghĩa là không chú ý tới người nghe và người đọc, không quan tâm họ có hiểu hay không, có mong muốn hay không. Áp đặt người khác phải nghe nên hiệu quả thấp. Vì vậy khi nói, khi viết không sát chủ đề, đối tượng người đọc, người nghe cần phải loại bỏ.

Năm là: nói và viết thiếu cẩn trọng

Nói và viết chuẩn bị qua loa, đại khái, dễ dãi. Nói, viết lạc đề, tựa bài một đằng viết nội dung một nẻo; bố cụ không rõ ràng, thiếu chặt chẽ lô gíc; sao chép tùy tiện; sai nhiều lỗi chính tả. Nói và viết những điều mà mình còn mơ hồ, chưa hiểu thấu đáo. Thiếu suy xét kỹ lưỡng khi nói, khi viết; thiếu cẩn thận, tỉ mỉ rà soát bài viết để kiểm tra, sửa chữa, điều chỉnh, bổ sung cho hoàn thiện. Nói, viết thiếu trách nhiệm, thiếu tự trọng, để đối phó, lấy lệ cho có. Nói không đúng nơi, đúng chỗ. Không suy xét đến tác hại, hậu quả của việc nói, viết thiếu trung thực, xuyên tạc, không đúng sự thực, thông tin bị sai lệch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với học sinh Trường Nghệ thuật Sân khấu
Trung ương ở khu văn công Mai Dịch, Hà Nội, ngày 25-11-1961. (Ảnh tư liệu)
 

3. Học tập và làm theo Bác về phong cách diễn đạt

Trước hết, phải nhận thức rằng: việc nói, viết theo phong cách diễn đạt của Bác là trách nhiệm, là danh dự, là uy tín, là lòng tự trọng của mỗi cán bộ, đảng viên. Vì vậy muốn nói và viết tốt, nhất thiết phải chịu khó học hỏi, tích lũy và không ngừng rèn luyện và trải nghiệm thực tế.

 Khi nói, viết phải luôn luôn bắt đầu từ việc xác định đúng đối tượng , xác định mục tiêu thích hợp, nội dung thiết thực và phương pháp nói, viết phù hợp. 

Tuyệt đối nói và viết đúng quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Nói, viết  đều phải chân thực, ngắn gọn, súc tích. Thông tin phải chính xác, đầy đủ, thiết thực, đúng sự thật, không được bịa ra. Không mắc bệnh tham nói, bệnh ôm đồm, bệnh sợ thiếu, sợ người khác không hiểu, bệnh phô trương, tự cao tự đại dẫn đến “lạm ngôn”. Không “nói dài, viết rỗng”, tùy thuộc điều kiện hoàn cảnh, đối tượng cụ thể để nói, viết ngắn hay dài, nhưng phải có nội dung thiết thực. Mỗi câu, mỗi chữ phải chứa đựng một ý nghĩa, mang một nội dung nhất định, không dư thừa; nói đúng tư tưởng, phản ánh đúng nội dung muốn phản ánh.

Nói hay viết về vấn để gì cũng cần phải trong sáng, giản dị, dễ hiểu nhưng không dễ dãi, cẩu thả, không nói cụt, không dùng từ địa phương khi viết văn bản trong làm việc. Bố cục chặt chẽ, sử dụng từ ngữ, văn phong phù hợp. Khi nói kết hợp ngôn ngữ nói và sử dụng ngôn ngữ cơ thể để tăng tính hiệu quả.

Nói và viết đều nên cẩn trọng, chuẩn bị và suy xét thật kỹ lưỡng, chu đáo.  Trước khi nói, viết cần tìm hiểu thấu đáo bản chất của đối tượng cần phản ánh; hình thành đề cương, bố cục chặt chẽ có chủ đích. Viết rồi thì phải đọc đi, đọc lại nhiều lần để kiểm tra, sửa chữa, điều chỉnh, bổ sung cho hoàn thiện cả nội dung và hình thức theo đúng lời Bác căn dặn: “Viết rồi thì phải thế nào? Viết rồi thì phải đọc đi đọc lại. Thấy cái gì thừa, câu nào, chữ nào thừa thì bỏ bớt đi. Đọc đi đọc lại bốn, năm lần đã đủ chưa? Chưa đủ. Đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại. Mình đọc mấy lần rồi cũng chưa đủ. Phải nhờ một số đồng chí công, nông, binh đọc lại. Chỗ nào ngúc ngắc, chữ nào khó hiểu, họ nói ra cho thì phải chữa lại”.

Phong cách nói, viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự là mẫu mực về diễn đạt, đi vào lòng người và mang lại hiệu quả to lớn. Vì vậy, tìm hiểu học tập phong cách diễn đạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ giúp cho chúng ta nâng cao nhận thức, trình độ diễn đạt, hoàn thiện kỹ năng giao tiếp, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ, đó cũng chính là thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Tuyên giáo TW (2017), “Những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” - Tài liệu nghiên cứu phục vụ triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị; NXB Chí trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.

2. Ban Tuyên giáo TW (2016),  “Hỏi - Đáp về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” - Tài liệu dành cho đảng viên, đoàn viên, hội viên và tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân; NXB Chí trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.

Ths. Phạm Mạnh Cường - Phó Hiệu trưởng