1- Ý nghĩa, giá trị của đoàn kết nhất trí trong nhà trường

Khối đoàn kết nhất trí trong toàn trường là ý chí, sức mạnh quyết định đến thành công sự nghiệp đổi mới phát triển bền vững giáo dục của nhà trường chặng đường 35 năm qua cũng như cho cả thời kỳ đổi mới giáo dục nghề nghiệp, thực hiện cơ chế tự chủ, trách nhiệm xã hội đối với nhà trường trong bối cảnh hiện nay.

Bỡi lẽ, đoàn kết là sức mạnh từ nội tại trong từng cá nhân, đơn vị; đoàn kết là thành công cho mọi công việc của từng cá nhân, đơn vị; đoàn kết là thắng lợi tất cả mọi nhiệm vụ đối với tập thể nhà trường.

2- Lực lượng, hình thức tổ chức và phương châm đoàn kết nhất trí trong toàn trường

a- Lực lượng của khối đoàn kết nhất trí trong nhà trường

- Lực lượng của khối đoàn kết nhất trí trong nội bộ nhà trường là Ban Chấp hành Đảng bộ và cả đội ngũ đảng viên trong toàn Đảng bộ nhà trường.

- Ban giám hiệu, tất cả cán bộ, viên chức nhà giáo, người lao động.

- Ban Chấp hành Công đoàn, Ban Chấp hành Đoàn trường, tất cả đoàn viên, thanh niên, lực lượng học sinh, sinh viên trong toàn trường.

Trong đó, tập thể Đảng ủy, Ban giám hiệu, Ban Chấp hành Công đoàn, Ban Chấp hành Đoàn trường là hạt nhân chính trị trong khối Đoàn kết nội bộ nhà trường.

b- Hình thức tổ chức khối đoàn kết nhất trí trong nội bộ nhà trường

- Tập thể sư phạm (tập hợp tất cả cán bộ, viên chức, người lao động là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục).

- Tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam của nhà trường (tập hợp tất cả cán bộ, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên).

c- Phương châm tập hợp đoàn kết nhất trí trong nội bộ nhà trường

Tất cả cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và toàn thể học sinh, sinh viên trong toàn trường.

Tất cả những người có gắn bó quyền, nghĩa vụ và lợi ích, trách nhiệm đối với nhà trường; đồng hành với mục tiêu, sứ mạng của nhà trường.

Trong đó, nồng cốt khối đại đoàn kết trong nội bộ nhà trường là tập thể Ban giám hiệu, Ban Chấp hành Công đoàn, Ban Chấp hành Đoàn trường đặt dưới sự lãnh đạo của tập thể Đảng ủy trên nguyên tắc tập trung dân chủ, hài hòa lợi ích giữa cá nhân, tập thể, nhà trường; tôn trọng nhân cách cá nhân, từng thành viên trong nhà trường; đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng với nghĩa vụ, trách nhiệm cụ thể của cán bộ, đảng viên, viên chức, nhân viên và học sinh sinh viên đối với tập thể nhà trường; bình đẳng, không phân biệt đối xử trong giao tiếp ứng xử.

3- Nguyên tắc xây dựng khối đoàn kết nhất trí trong nội bộ nhà trường

Có 4 nguyên tắc cơ bản để xây dựng khối đoàn kết nhất trí trong nội bộ nhà trường:

- Tin vào, dựa vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và học sinh, sinh viên toàn trường; vì lợi ích chính đáng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và học sinh, sinh viên.

- Đoàn kết đảm bảo lâu dài, rộng rãi trong toàn trường, chặt chẽ trong từng đơn vị, tự giác trong từng cá nhân; đoàn kết phải được tổ chức chặt chẽ trong từng đoàn thể, phòng, khoa, trung tâm trực thuộc đảm bảo dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng ủy nhà trường. Đoàn kết trong nội bộ nhà trường không chỉ rộng rãi đến từng thành viên trong nhà trường mà còn phải được đảm bảo duy trì thường xuyên, lâu dài trở thành nền tảng văn hóa, truyền thống quý báu hun đúc, tạo động lực, sức mạnh cho sự phát triển của nhà trường; cần tránh đoàn kết hình thức, cấu kết nhóm lợi ích (nhóm không chính thức), sử dụng hình thức đoàn kết như một thủ thuật để tập hợp nhóm lợi ích (nhóm không chính thức).

- Đoàn kết trên cở sở phát huy dân chủ, chân thành, thân ái, vị tha, nhân văn; đoàn kết gắn với đấu tranh, xây dựng, tự phê bình và phê bình nghiêm túc, thẳng thắn, cầu tiến. Đoàn kết thực sự phải được đảm bảo đầy đủ các yếu tố cơ bản như:

+ Mục tiêu, lập trường, quan điểm trong lãnh đạo, quản lý phải được nhất trí cao.

+ Học tập cái tốt của nhau, phê bình cái xấu của nhau.

+ Vừa đoàn kết vừa đấu tranh vì mục tiêu đoàn kết, nhất trí; phê bình trên lập trường thân ái, vì sự tiến bộ.

- Đoàn kết phải được xây dựng trên cơ sở kế thừa, phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, thành quả lao động sáng tạo của tập thể nhà trường, với quan điểm trân trọng những giá trị truyền thống văn hóa, nhân văn đã được các thế hệ trước dày công vun đắp, đòi hỏi mọi thành viên trong nhà trường dù ở cương vị nào, nhất là những người có cương vị, học vấn, tuổi tác thâm niên nghề nghiệp cao cần phải:

+ Có lòng khoan dung, độ lượng với mọi người.

+ Biết trân trọng giá trị đạo đức của từng thành viên trong nhà trường.

+ Biết làm gương, nêu gương để tập hợp, quy tụ, đoàn kết rộng rãi mọi thành viên trong từng đơn vị, tổ chức, trong toàn trường.

4- Phương pháp phát huy sức mạnh đoàn kết nhất trí trong nội bộ nhà trường

a- Tuyên truyền vận động trong toàn thể đội ngũ tập thể lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, viên chức, nhân viên và học sinh, sinh viên nhà trường

- Nội dung tuyên truyền phải đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, quyền lợi của mọi thành viên trong nhà trường; phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của nhà trường.

- Phương pháp tuyên truyền phải phù hợp với từng đối tượng trong nhà trường, trình bày dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo.

b- Chăm lo xây dựng Đảng bộ, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, xây dựng từng phòng, khoa, trung tâm trực thuộc, xây dựng nhà trường trong sạch vững mạnh, xây dựng đội ngũ tập thể lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, viên chức và nhân viên nhà trường chuyên tâm, chuyên trách, chuyên nghiệp

Trong Đảng bộ nhà trường phải đoàn kết nhất trí từ trong tư tưởng đến hành động, trong Đảng ủy, trong các Chi ủy (Chi bộ) đến tất cả đảng viên trong toàn Đảng bộ phải đề cao ý thức chấp hành tổ chức, tự giác tuân thủ kỷ luật nghề nghiệp, tuân thủ thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức, nguyên tắc sinh hoạt Đảng.

Đối với hai Đoàn thể (Công đoàn, Đoàn Thanh niên) của nhà trường phải có Cương lĩnh, quy chế tổ chức hoạt động thiết thực, rõ ràng; có hình thức, nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình thực tiễn nhà trường và xu thế tiến bộ của cộng đồng, xã hội.

Đối với từng phòng, khoa, trung tâm, đơn vị trực thuộc nhà trường phải đảm bảo đề cao trách nhiệm, chủ động thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của nhà trường; không ngừng đổi mới, cải tiến hoạt động chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu quả công việc thực sự là bộ phận chuyên trách tham mưu, giúp việc cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành nhà trường.

5- Nhận rõ chuẩn giá trị của đoàn kết nhất trí trong nội bộ nhà trường là lẽ sống, là đạo lý

Chuẩn giá trị của đoàn kết nhất trí trong nội bộ nhà trường là lẽ sống, là đạo lý, là văn hóa, là văn minh, khơi dậy động lực, là mục tiêu xây dựng môi trường sống và làm việc tích cực, lao động sáng tạo, hiệu quả và khẳng định bản thân.

Quan niệm đoàn kết nhất trí là đạo lý, là lẽ sống của dân tộc Việt Nam, của người dân Việt Nam. Vì vậy đối với mỗi cán bộ, đảng viên, viên chức và nhân viên cũng như toàn thể học sinh, sinh viên của nhà trường cần phải coi đoàn kết nhất trí là đức tính cơ bản, giá trị nhân văn của mỗi con người nhất là đối với cán bộ, đảng viên, viên chức và nhân viên thì đạo đức và giá trị nhân văn ấy càng có ý nghĩa, vai trò to lớn. Có được như vậy thì mới có khả năng tập hợp đoàn kết quần chúng, đồng chí, đồng nghiệp và học sinh, sinh viên xung quanh mình.

Từ quan niệm đó cho thấy mỗi cán bộ, đảng viên, viên chức và nhân viên từ đồng chí Bí thư cấp ủy đến từng chi bộ, đảng viên; từ đồng chí Hiệu trưởng đến toàn thể cán bộ, viên chức, nhân viên phải trân trọng gìn giữ sự đoàn kết, nhất trí trong nội bộ nhà trường như gìn giữ danh dự và sự nghiệp của bản thân mình.

Đối với toàn Đảng bộ nhà trường:

+ Đảng bộ với vai trò là hạt nhân chính trị, trung tâm tập hợp đoàn kết quần chúng cho thấy sự đoàn kết, nhất trí trong toàn Đảng bộ có vai trò, ý nghĩa to lớn.

+ Đặc biệt trong đó là sự đoàn kết, nhất trí từ trong cấp ủy, chi ủy, đoàn kết, nhất trí trong từng đồng chí lãnh đạo cấp ủy, lãnh đạo nhà trường; đoàn kết, nhất trí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Để thực hành đoàn kết, nhất trí đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý phải là tấm gương Nhân - Nghĩa (thương yêu - trách nhiệm), Lễ - Tín (kính nhường - tin cây); cần - kiệm - liêm - chính với người, với mình; kiên quyết chống quan liêu, tham ô, lãng phí; hết lòng, toàn tâm, toàn ý với nhà trường; chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tuân thủ chấp hành tổ chức, tự giác ý thức kỷ luật.

Đối với mỗi đảng viên trong Đảng bộ nhà trường phải gương mẫu sửa đổi tính nết, tác phong, lề lối làm việc; thật thà, trung thực, thẳng thắn; cầu tiến, nỗ lực đoàn kết và xây dựng đoàn kết, nhất trí thực sự.

Đối với toàn thể cán bộ, viên chức, nhân viên và học sinh, sinh viên toàn trường phải thi đua thực hành cần, kiệm, liêm chính; phải khiêm tốn, thật thà đoàn kết, nhất trí; biết yêu quý, kính trọng, giúp đỡ mọi người; không nịnh cấp trên, xem thường cấp dưới; biết học người, quý người tiến bộ./.

NGƯT - TS. Trần Công Chánh