Bất cứ ai cũng có thể trở nên giận dữ - đó là điều rất dễ xảy ra. Tuy nhiên, để giận đúng người với mức độ thích hợp, đúng thời điểm, vì những lý do chính đáng và biểu lộ sự tức giận đúng cách - lại là điều không dễ (Aristotle).

Trí tuệ xúc cảm là khả năng hiểu rõ cảm xúc của bản thân, thấu hiểu cảm xúc của người khác; phân biệt và sử dụng chúng để hướng dẫn suy nghĩ và hành động của bản thân, đồng thời còn là khả năng giám sát cảm xúc, cảm giác bản thân và người khác bằng sự kết hợp, sự nhạy cảm về cảm xúc (tự nhiên) với kỹ năng quản lý cảm xúc.

Vì vậy, trí tuệ cảm xúc là khả năng thấu hiểu cảm xúc bản thân và người khác làm cơ sở định hướng hành động phù hợp.

Xét ở góc độ thể hiện năng lực bản thân, trí tuệ xúc cảm được thể hiện trên 4 nhóm năng lực có tính quyết định đến sự tồn tại và phát triển của mỗi cá nhân và ảnh hưởng đến người khác; đó là: (i) năng lực nhận biết, hiểu và biết cách thể hiện bản thân; (ii) năng lực nhận biết, hiểu và cảm thông với người khác; (iii) năng lực ứng phó với những cảm xúc mạnh, kiểm soát, làm chủ các cảm xúc của bản thân; (iv) năng lực thích ứng với những thay đổi và giải quyết vấn đề.

Một cách tiếp cận khác cho thấy cấu trúc của trí tuệ xúc cảm được hình thành từ 2 nhóm năng lực đặc biệt đó là năng lực cá nhân và năng lực xã hội nhằm giúp bản thân nhận biết và điều khiển cảm xúc ở mình và ở người khác.

- Nhóm năng lực cá nhân được hình thành từ một số kỹ năng chuyên biệt quan trọng như:

Kỹ năng tự nhận thức (Self awareness skill)

Đó là khả năng nhận ra cảm xúc nội tại khi nó xảy đến, từ đó giúp bản thân nhận thức được cảm xúc, nhận diện được cảm xúc và những tác động của chúng, từ đó có được sự tự tin, sự chắc chắn về giá trị bản thân và khả năng bản thân; đó chính là kỹ năng tự biết mình (biết quản lý cảm xúc của bản thân, đánh giá đúng bản thân).

Kỹ năng tự điều chỉnh (Self regulation skill)

Đó là khả năng chủ động đẩy lùi những cảm xúc tiêu cực, khơi dậy cảm xúc tích cực; từ đó giúp bản thân tự kiểm soát, quản lý được các xung đột nội tâm, giúp bản thân trở nên bình thản, duy trì được tính kiên nhẫn và chuẩn mực trong giao tiếp; thể hiện sự tuân thủ, chịu trách nhiệm về bản thân trước cộng đồng; đó là khả năng thích ứng, ứng xử với những thay đổi một cách linh hoạt; khả năng tự đổi mới, cởi mở với những mối quan hệ, tự kiểm soát, quản lý bản thân hướng đến hành động tích cực.  

Kỹ năng tạo động lực (Motivaton skill)

Đó là kỹ năng tự thân nổ lực hướng đến mục đích, không ngừng phấn đấu, cải thiện để đạt đến tiêu chuẩn, chuẩn mực trong công việc và cuộc sống; từ đó giúp bản thân luôn cam kết nổ lực vì mục tiêu của nhóm, tổ chức; luôn sáng kiến, sẵn sàng tìm kiếm lối thoát để hành động và làm việc tích cực. Luôn lạc quan, nổ lực bền bỉ hướng đến mục tiêu, bất chấp trở ngại và thất bại.

Đặc biệt là sự đồng cảm (Empathy)

Đó là khả năng nhận rõ, thấu hiểu được cảm xúc người khác, từ đó giúp cho bản thân định hướng giao tiếp; dự đoán, thừa nhận và đáp ứng nhu cầu người khác tương tác đến trong giao tiếp, qua đó giúp bản thân tận dụng được tối đa sự đa dạng và những cơ hội tích cực để rèn luyện giao tiếp thông qua những tương tác cảm xúc phong phú từ người khác mang đến.

Từ đó giúp bản thân nhận thức được giá trị và lợi ích trong mối quan hệ xã hội và xem nó như một sức mạnh trong kết nối cộng đồng, quan hệ xã hội. Đặc biệt là giúp bản thân thấu hiểu người khác, làm sáng tỏa cảm xúc và giá trị bản thân người khác cũng như những nhu cầu và mong muốn của người khác, đặc biệt giúp bản thân nhận biết rõ vị trí, ý nghĩa trong các mối quan hệ với người khác, từ đó điều chỉnh được các quan hệ xã hội một cách tích cực.

- Nhóm năng lực xã hội được hình thành từ một số kỹ năng xã hội đặc biệt, được thể hiện rõ bằng khả năng giao tiếp tốt, cùng với những thành công trong cuộc sống. Từ đó giúp cho bản thân thể hiện rõ khả năng tạo ảnh hưởng, sức thuyết phục hiệu quả, cũng như những tác động tích cực của bản thân lan tỏa đến cộng đồng; đó là những kỹ năng “vàng” của mỗi cá nhân tham gia phát triển cộng đồng có thể nhận thấy như: (i) kỹ năng giao tiếp, truyền đạt thông điệp rõ ràng đến cộng đồng; (ii) kỹ năng lãnh đạo truyền cảm hứng đến đồng đội và cộng đồng; (iii) kỹ năng xây dựng kết nối cộng đồng, gắn bó các mối quan hệ xã hội; (iv) kỹ năng hợp tác và cộng tác nhằm hướng đến mục tiêu chung vì cộng đồng và xã hội; (v) kỹ năng làm việc nhóm, tạo sức mạnh tổng hợp từ sự hợp tác, chia sẻ, đồng hành trách nhiệm hướng đến mục tiêu chung.

Tất cả những kỹ năng đó tạo nên những giá trị “vàng” của trí tuệ xúc cảm mang lại cho những ai sở hữu và thể hiện được nó. Từ đó giúp cân bằng được sự đối lập giữa lý (trí tuệ) với tình (xúc cảm) trong mỗi con người, bởi vì trong cuộc sống nếu chỉ sống “nặng lý” sẽ trở thành con người “vô tình” lạnh lùng, vô cảm, sống ép mình và người khác vào khuôn thước (duy lý); ngược lại nếu chỉ sống “nặng tình”, sẽ trở thành con người “vô lý”, cuồng nhiệt, mù quáng, sống hướng mình vào cảm xúc (duy cảm). Cả hai sự thể hiện qua cách nghĩ, cách hành động, cách sống “duy lý hoặc duy cảm” như vậy đều không đi đến đâu trong cuộc sống vốn vô vàng những thiên biến, vạn hóa khôn lường.

Vì vậy, khi có sự kết hợp được cả “hai trong một”, “lý trong tình”, “tình trong lý”. Đó chính là sản phẩm “vàng” của trí tuệ xúc cảm. Trong trí tuệ có sự cháy bỏng của xúc cảm, trong xúc cảm có sự sáng suốt của trí tuệ, đó là giá trị “vàng” trong tư duy, năng lực và hành động của mỗi cá nhân trong cuộc sống vốn luôn có lý, có tình.

Những giá trị “vàng” ấy giúp mỗi cá nhân hình thành, phát triển các mối quan hệ có ý nghĩa tích cực giữa những con người với nhau góp phần thiết lập các mối quan hệ xã hội lành mạnh, thúc đẩy phát triển khả năng, năng lực của mỗi cá nhân nhằm hóa giải xung đột, cân bằng cuộc sống, kiến tạo môi trường sống an lành, môi trường làm việc thuận lợi, giúp mọi người thành công trong công việc và hạnh phúc trong cuộc sống. Điều đó cho thấy khả năng trí tuệ xúc cảm không chỉ cải thiện bản thân mà còn có ý nghĩa tương tác, lan tỏa đến cộng đồng, tích cực cải thiện môi trường giao tiếp, làm tốt đẹp hơn mối quan hệ gia đình, cộng đồng, xã hội; hướng đến xây dựng gia đình thân yêu - hòa thuận, tổ chức thân thiện - hòa đồng, cộng đồng thân ái - hòa hợp, xã hội văn minh - tiến bộ./.

NGƯT - TS. Trần Công Chánh