Tự soi, tự sửa, tự thấy “điểm mù” đối với người lãnh đạo, quản lý
Trần Công Chánh-Bí thư Đảng ủy
Khi nói đến con người các bậc tiền nhân thường có câu: “Nhân vô thập toàn”.
Điều đó cho thấy đối với bản thân mỗi con người không ai có thể dám cho là mình toàn vẹn. Hơn nữa, Khổng Tử cũng đã chỉ ra cách xử sự tốt nhất trước mọi việc là tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Hiểu nôn na đó là việc tự phê bình bản thân cần làm trước việc phê bình người khác.
Thực hiện lời dạy của Bác xem việc tự phê bình như việc rửa mặt mỗi ngày cho sạch, cho sáng. Đảng ta cũng đã chỉ rõ cán bộ, đảng viên cần làm gương trong việc tự phê bình, tự soi, tự sửa thường xuyên và chân thành khắc phục để hoàn thiện bản thân.
Nhận thức đầy đủ ý nghĩa, giá trị cũng như yêu cầu và phương pháp tự phê bình - phê bình như trên đã đặt ra.
Mỗi người, nhất là đối với người lãnh đạo, quản lý với tinh thần đề cao trách nhiệm nêu gương, tuân thủ nguyên tắc tổ chức, nguyên tắc sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tự phê bình - phê bình nhằm không ngừng tự soi, tự sửa, tự hoàn thiện bản thân, thể hiện lòng tự trọng, đồng thời còn nhằm đáp ứng sự kỳ vọng của mọi người.
Xuất phát từ nhận thức và thái độ cầu tiến bản thân mỗi người mà nhất là đối với người lãnh đạo, quản lý cần nhận thức rõ bản thân dù có hoàn hảo đến đâu, kể cả trong những mặt tưởng chừng như tích cực, nổi trội song trong ấy vẫn có thể còn ẩn chứa những hạn chế, khuyết điểm đáng tiếc có thể mắc phải mà bản thân không hề hay biết, bởi do “điểm mù” che khuất. Nếu biết bình tâm suy xét, tự soi, tự sửa sẽ có thể nhận thấy một vài điểm “điểm mù” thường gặp sau đây:
- Thứ nhất, luôn áp đặt tinh thần, thái độ làm việc quyết liệt, quá đề cao ý chí, thiếu xem xét điều kiện hoàn cảnh thực tiễn khó khăn; nóng vội, thiếu cân nhắc, thiếu thận trọng, không để ý đến “điều răn dục tốc - bất đạt”, từ đó đã tạo ra áp lực cho chính bản thân, gây căng thẳng, mệt mỏi, ức chế khi không hiện thực được mục tiêu, chất lượng hiệu quả công việc theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, cũng tạo ra áp lực xuống cấp dưới, người thực thi, tạo ra không khí căng thẳng trong môi trường làm việc.
- Thứ hai, đặt nặng trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu đơn vị, làm việc với phong cách quyết đoán, thái độ mạnh mẽ, dứt khoát có phần quá tự tin, thiếu dè dặt, thận trọng, ít chú ý lắng nghe, hạn chế việc gợi mở, nêu vấn đề, thảo luận, bày tỏ ý kiến chia sẻ, khơi gợi phát huy trách nhiệm từng thành viên trong tập thể; từ đó làm cho hiệu quả làm việc trong tập thể không được phát huy, vai trò từng thành viên trong tập thể mờ nhạt, hệ quả là gánh nặng càng đặt lên vai người đứng đầu, thiếu sự chia sẻ, đồng thuận và trách nhiệm của tập thể, càng ngày làm cho khoảng cách giữa người lãnh đạo và các thành viên ngày càng xa, dễ dẫn đến hiểu lầm, hoài nghi, mất niềm tin, mất đoàn kết nội bộ.
- Thứ ba, khư khư phong cách làm việc theo chế độ Thủ trưởng, tập trung hành chính, ít chú trọng đến việc thực hiện cơ chế phân cấp, phân quyền trong quản lý, điều hành công việc, gắn với đề cao trách nhiệm cá nhân đối với cấp dưới trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Từ đó đã dẫn đến tình trạng ôm đồm công việc, quyết định mọi việc, kể cả việc lặt vặt dẫn đến làm thay cấp dưới, làm mờ nhạt vai trò của cấp dưới, làm cho cấp dưới không thể hiện rõ trách nhiệm, dễ đùn đẩy trách nhiệm, thoái thoát trách nhiệm, trông chờ ỷ lại vào cấp trên mà không tự chủ công việc, không thể hiện rõ chính kiến, vai trò, trách nhiệm cá nhân trước công việc, nhiệm vụ chung của nhà trường của tập thể đơn vị.
- Thứ tư, đề cao thái quá tinh thần thẳng thắn quyết liệt trong đấu tranh, phê bình xây dựng nội bộ, đôi khi thiếu tế nhị, kín đáo, nhẹ nhàng; việc vận dụng nguyên tắc phê bình không được khéo léo, thận trọng dẫn đến gây căng thẳng, khó chịu, dễ làm mất lòng người bị phê bình.
Đáng nói là trong phê bình luôn tỏ ra sâu sắc, biết hết tâm đen người khác nhất là trong nhận xét, đánh giá về người khác theo kiểu tinh vi như thế sẽ tạo ra căng thẳng, mệt mỏi, gây lo lắng, sợ hãi, lánh xa, thậm chí còn có thể làm mất lòng mọi người khiến họ cay cú tìm cách đáp trả. Đáng lo ngại nhất là trong phê bình, đấu tranh, xây dựng còn lầm lẫn, không phân biệt rõ người tốt, với người xấu dễ sa đà vào thái độ xử sự, “quơ đũa cả nắm”. Lấy hiện tượng tiêu cực nho nhỏ của cá nhân trong nội bộ đặt thành vấn đề lớn để phê phán chung đến đông đảo mọi thành viên trong tập thể, làm cho tập thể, nhất là những cá nhân tích cực cũng phải chịu đựng lắng nghe một cách nặng nề, mệt mỏi, ức chế, điều đáng tiếc đó, dễ dẫn đến trúng bẫy của người tiêu cực bày ra nhằm làm đánh mất hình ảnh thân thiện, phong cách hành xử tốt đẹp của người lãnh đạo đối với mọi người.
Thứ năm, sa đà vào phong cách làm việc cảm xúc, máu lửa với bầu nhiệt huyết sôi sục, đôi khi làm “cháy” luôn cả lý trí và sự sáng suốt, đáng nói là trong xử sự, trong tranh luận, nhất là khi quyết định những vấn đề quan trọng trong tình trạng nóng nảy, thiếu kiềm chế dẫn đến những quyết đoán theo cảm tính, dễ phạm vào sai lầm trong lãnh đạo, quản lý.
Thậm tệ hơn là tình trạng trong lúc làm việc luôn thể hiện cảm xúc lê thê, bày tỏ tâm trạng, nội tâm dẫn đến kéo dài thời gian, phân tán công việc làm cho chất lượng, hiệu quả việc chủ trì điều hành hội họp bị chi phối bởi tâm trạng, cảm xúc của người chủ trì, chủ tọa. Điều đó dễ gây phản cảm, tự đánh mất hình ảnh của người lãnh đạo, quản lý, nhất là tình trạng hay kêu ca, than vãn về áp lực công việc phải gánh vác, kể công, kể việc với cấp dưới, muốn chứng minh, chứng tỏ công lao, cống hiến, uy tín, tình cảm, trách nhiệm của mình với mọi người. Muốn được mọi người công nhận, được thừa nhận, được tôn vinh. Tất cả những điều đó đã dần dần làm xấu đi hình ảnh, phong cách của người lãnh đạo, quản lý trước tập thể, đây là điều đáng trách vì không khéo sẽ để lại trong mắt mọi người về hình ảnh, phong cách người lãnh đạo, quản lý, điều tệ hại hơn là làm tiêu điểm cho sự đàm tiếu của người xấu, làm chi phối đến môi trường làm việc tích cực của người tốt và tập thể./.