Nói đến tư tưởng, tình cảm là nói đến  “cái tâm” (tâm), còn nói đến nhận thức, thái độ là nói đến “cái ý” (tính) trong mỗi con người.

Về vấn đề này, người đời đúc kết thành câu: Tâm viên - Ý mã.

Có thể hiểu chữ “Tâm viên” theo nghĩa đen ý nói đến tư tưởng, tình cảm con người luôn dao động, ví như hình tượng “viên hầu” (khỉ, vượn) với bản chất luôn dời đổi, bất yên; cũng tương tự như thế chữ “Ý mã” theo nghĩa đen ý nói đến nhận thức, thái độ của con người luôn thay đổi ví như hình tượng “tẩu mã” (ngựa chạy) với bản chất luôn dời đổi, khó lường.

Vì lẽ đó nên có câu: Tâm viên bất định - Ý mã nan truy.

Vì vậy, để làm cho tư tưởng, tình cảm (tâm) được vững vàng, ổn định; nhận thức, thái độ (ý) được thấu đáo, tích cực trong mỗi người; đó là việc cực kỳ khó đối với mình và đối với người.

Do đó để tư tưởng được vững vàng, tình cảm ổn định, nhận thức được thấu đáo, thái độ tích cực trong mỗi con người, tức là để tâm được an định, ý được khai minh.

Điều tất yếu là phải nỗ lực tự thân vượt lên chiến thắng bản ngã, tinh tấn tu tâm, dưỡng ý (tánh); nỗ lực đặt “tâm viên” vào “khuôn trí tuệ”; chốt “Ý mã” vào “lồng lý trí”.

Làm cho “tâm” có tuệ dẫn dắt đến an nhiên (tức là tư tưởng vững vàng, tình cảm ổn định); “ý” có trí khai sáng đến thiện nguyện (nghĩa là nhận thức thấu đáo, thái độ tích cực).

Tâm được an nhiên - ý hướng thiện nguyện, nghĩa là tư tưởng được vững vàng, tình cảm được ổn định; nhận thức được thấu đáo, thái độ tích cực. Đó chính là con đường, cách thức, động lực, mục tiêu của việc tu tâm, dưỡng tánh là điều kiện để có cuộc sống an nhiên, hạnh phúc, trí huệ đến với mình và đến với người.

Và để thấu hiểu được điều chân quý về triết lý đạo sống:

“Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến;

Nói lời thiện để xây dựng tấm lòng son”.


NGƯT - TS. TRẦN CÔNG CHÁNH