CHIA SẺ ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM CÓ ÍCH CHO CUỘC SỐNG “NÓI VỀ TRÍ HUỆ TRONG CON NGƯỜI” - NGƯT.TS TRẦN CÔNG CHÁNH
Thường thì ở lứa tuổi còn trẻ có mẫu con người mà ai ai cũng ngưỡng mộ, đó là người thông minh. Tuy nhiên, đến khi có tuổi, có chút danh phận thì mẫu người thông minh được thay thế dần bằng mẫu người trí tuệ và có lẽ mãi đến khi tuổi gần xế chiều, danh đã nhòa, phận đã bạc với sự thấu hiểu những thăng trầm sống gió trong cuộc đời thì người ta cũng đã dần nhận ra chân tướng người thông minh, người trí tuệ! Tất cả rồi cũng sẽ theo năm tháng mà đi vào quên lãng; và có lẽ chỉ còn lại trong tâm thức mỗi người điều chân thực và quý giá nhất ở con người đó là trí huệ (người trí huệ).
Tại sao lại như vậy? Vậy trí huệ là gì mà có thể dẫn dắt con người đến chân giá trị ấy?
Bằng cách đề cập so sánh có ý tứ sau đây có thể giúp làm rõ thêm vấn đề đặt ra.
Cuộc đời từ lúc biết nghe nhiều, học rộng, hiểu sâu sẽ khai mở làm con người trở nên thông minh.
Đến khi đầu óc đã biết suy tư, lắng đọng, thấu hiểu sẽ thúc đẩy giúp con người phát triển trí tuệ.
Và cho đến lúc tâm trí đã biết an nhiên, buông bỏ, giác ngộ sẽ khởi phát giúp con người gia tăng trí huệ.
Từ cách tiếp cận trên cũng đã cho thấy Thông minh - Trí tuệ - Trí huệ tuy là ba phạm trù khác nhau, song có sự kế thừa, phát triển liên tục trên cơ sở có những tiếp biến rõ ràng.
- Thông minh là sự thể hiện khả năng hiểu biết kiến thức uyên bác, đó là tư chất của người thích trao dồi học thuật, hướng đến tri thức, văn minh.
- Trí tuệ là sự hiện thực khả năng vận dụng kiến thức linh hoạt, đó là tư chất của người ham muốn khám phá khoa học, hướng đến vốn sống, văn hóa.
- Trí huệ là sự hiện hữu khả năng chuyển hóa trí tuệ sâu lắng, đây là tư chất của người thiên về suy ngẫm cuộc sống, hướng đến đạo lý, nhân văn.
Cũng từ đó cho thấy:
- Người thông minh là người có tri thức; thể hiện qua lối sống khôn khéo.
- Người trí tuệ là người giàu trí lực, thể hiện bằng vốn sống phong phú.
- Người trí huệ là người vững tâm lực, thể hiện bởi đạo sống chân thiện.
Và cũng từ đó cho thấy rõ hơn bản chất vấn đề là:
Người thông minh thiên về tinh vi, toan tính cao - thấp, so đo hơn - thiệt, thể hiện duy lý, chú trọng danh vị.
Người trí tuệ nặng về suy tư, phân minh phải - trái, tìm kiếm công bằng, đề cao nghiệm lý, xem trọng nhân nghĩa
Người trí huệ hướng về an nhiên, buông bỏ thường - ngã, thấu hiểu thuận thiên, giác ngộ chân lý, quý trọng chơn thiện.
Qua một số cách tiếp cận so sánh như trên, một lần nữa đã cho thấy vai trò, vị trí “chỗ đứng” của người thông minh có thể được thay thế dần bởi trí tuệ nhân tạo.
Bởi vì thực tế đã có người sophia (robot thông minh) là sản phẩm của trí tuệ nhân tạo, đó là thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại có thể thay thế chỗ của người thông minh.
Riêng chỗ đứng của người trí tuệ thì dù cho sản phẩm của trí tuệ thông minh có cao siêu đến đâu cũng khó có thể thay thế được, bởi lẽ người trí tuệ là người biết vận dụng sáng tạo tri thức, sử dụng có hiệu quả vốn kiến thức từ sự thông minh đem lại, chủ động, đúc kết, chuyến hóa thành đạo sống, vốn sống để phục vụ cho sự tồn tại phát triển của chính bản thân và cộng đồng hướng đến nhân nghĩa, nhân văn.
Mặc dù vậy, nhưng với người trí tuệ hiện thân của Tài trí - Danh vị thì có lẽ cũng chỉ tồn tại trong một giới hạn hữu hình của cuộc vô thường, vì tất cả rồi cũng sẽ phải tuân theo quy luật khách quan vốn luôn vận động biến đổi khôn lường bởi vòng quay Sinh - Trụ - Hoại - Diệt của tạo hóa.
Và cũng từ quy luật tất yếu đó cho thấy phải chăng chỉ có thể còn lại ở trạng thái “tâm thức”, là phạm trù của tâm linh, trong đó có hồn cốt của trí huệ, vì trí huệ là một phần quan trọng của tâm thức, là chân giá trị về mặt tinh thần có tính bất diệt trong mỗi con người, đó là phẩm chất của người Hiền - Nhân (Hiền từ - Hiền đức - Nhân từ - Nhân đức) được tích lũy, kết tinh lâu dài qua nhiều đời và được khởi phát từ tinh hoa của trí tuệ làm thành, đây là tâm thức với ý thức và tiềm thức “Chân - Thiện” trong mỗi con người, phần giá trị vô hình này, đến nay có nhiều cách tiếp cận khác nhau, song cũng đều hướng đến sự nhìn nhận đó chính là giá trị nhân văn và chân thiện trong con người.
Vấn đề này nếu tiếp cận theo giáo lý phật pháp thì cho đây là phần “linh hồn”, là phần không mất đi và sẽ đi vào vận trình tái sinh vĩnh hằng bởi duyên - nghiệp nối tiếp (số kiếp con người) trong vòng luân hồi sinh tử của tạo hóa.
Nếu xét ở góc độ tâm lý học thì đó được gọi là hiện tượng tinh thần cao thượng có sức lan tỏa, ảnh hưởng to lớn và có thể trao truyền lại cho đời sau bởi chân giá trị về tư tưởng, đạo đức, cốt cách, phẩm giá cao quý về đức của Hiền - Nhân trong con người để lại cho đời sau sẽ không bao giờ phai nhạt.
Cho dù ở cách tiếp cận nào đi nữa thì trước hết, ngay trong cuộc sống này hình ảnh người trí huệ Hiền nhân với đức Từ bi - Bác ái cũng đã là một chân lý của đạo sống. Biết sống hướng đến an nhiên buông bỏ bản ngã, thấu hiểu vô thường, giác ngộ chân thiện; điều đó đã làm sáng lòng, sáng người, làm cho lòng con người được an vui, an lạc, làm cho cuộc sống bản thân, cũng như cộng đồng luôn được an lành, hạnh phúc./.
BẢN HỌA ĐỒ TƯ DUY ĐẠO SỐNG